Thursday, January 14, 2010

Nhìn nhận gì về phản ứng gần đây của Yahoo và Google đối với giới chức Trung Quốc?

Mấy ngày gần đây, Yahoo và Google đã đồng loạt lên án nhà cầm quyền Trung Quốc về những hành vi xâm phạm đến an ninh mạng, quyền tự do ngôn luận và hoạt động thông tin của giới cầm quyền Trung Quốc đến các nhà hoạt động nhân quyền của nước này. Cụ thể, phía Google đã điều tra được những hành vi xâm nhập bất hợp pháp vào các tài khoản Gmail từ phía Trung Quốc. Những sự xâm nhập này không chỉ dừng lại ở phạm vi bình thường, mà diễn biến hết sức tinh vi và được hỗ trợ công nghệ cao. Google cũng cáo buộc những "kẻ xâm nhập" này đã cố vượt hàng rào bảo vệ để chiếm giữ tài khoản Gmail của những công ty kinh doanh quốc tế, hóa học, nhân quyền... ở Trung Quốc và ở Mỹ (đa số tài khoản Gmail được đặt ở Mỹ và Trung Quốc). Phía Google cũng đã cảnh báo rằng họ đã thông báo với các công ty bị xâm hại và tới các cơ quan an ninh của Mỹ. Những động thái gần đây của Yahoo và Google, hai nhà cung cấp dịch vụ lớn nhất thế giới, đã dấy lên những hi vọng mới cho quá trình "dân chủ hóa" Trung Quốc(?!), một điều mà các nhà quan sát dân chủ và nhân quyền Trung Quốc và thế giới đều mong đợi. Vậy động thái của Yahoo và Google đã đưa những nhà hoạt động nhân quyền này những hi vọng gì?
  • Yahoo, Google từ trước đến nay vẫn tập trung khai thác thị trường Trung Quốc, nơi mà 300 triệu người vẫn sử dụng Internet là một thị trường màu mỡ mà các công ty tư bản Mỹ không thể bỏ qua. Tuy nhiên, để tiếp cận được thị trường này ngay từ thuở ban đầu không phải là chuyện dễ dàng gì, bởi nhà cầm quyền Bắc Kinh luôn đặt hoài nghi về vấn đề "bùng nổ thông tin" sẽ gây khó khăn cho họ. Thế nhưng, để phát triển và thu hút đầu tư, phía Bắc Kinh cũng phải đồng ý rằng họ phải chấp nhận mở cửa. Yahoo, Google, Microsoft và Bắc Kinh phải "cho đi, cho lại" để đạt được một số thỏa thuận phát triển kinh doanh! Điều này là hiển nhiên, khi Bắc Kinh đồng ý cho Yahoo và Google vào thị trường Trung Quốc để khai thác; ngược lại, Yahoo và Google phải "chịu" cho Bắc Kinh tiến hành "thông lọc" những "nội dung nhạy cảm" ra khỏi ngân hàng thông tin của Yahoo và Google. Điều này tuy đi ngược lại với những luật cơ bản về tự do thông tin, tự do ngôn luận,... nhưng Yahoo và Google cũng phải "lùi một bước để tiến mười bước" trong quan hệ với Trung Quốc.
  • Nhà cầm quyền Bắc Kinh đã bị "hố" một vố đau sau khi Yahoo và Google cùng nhau "phản pháo" trong thời gian gần đây. Đây quả là một đòn hiểm mà Bắc Kinh không thể ngờ phía Mỹ đã vận dụng. Những cuộc đấu trí giữa hai bên quả là thâm thúy và thú vị! Yahoo và Google đã "hi sinh" trước mắt những tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh của họ để thâm nhập đến thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng. Từ con số vài chục ngàn, vài trăm ngàn cho đến nay đã hơn 300 triệu người sử dụng Internet, Trung Quốc đương nhiên trở thành thị trường khai thác màu mỡ của các tập đoàn của Mỹ. Tuy thu được lợi nhuận cao từ phía Trung Quốc, đối tượng sử dụng Internet từ phía Trung Quốc đã được mở rộng hơn ra đến sinh viên, học sinh, doanh nhân Trung Quốc đã được đào tạo ở nước ngoài... (những người có tư duy suy nghĩ tương đối độc lập với tư tưởng của nhà cầm quyền Bắc Kinh). Hơn nữa, các công ty nước ngoài cũng đầu tư ồ ạt vào thị trường Trung Quốc. Cái họ cần là một nguồn thông tin chính xác, nhanh chóng và đáng tin cậy. Điều này cũng đồng nghĩa với việc quản lí thông tin của phía Bắc Kinh không có lợi cho các doanh nghiệp đang hoạt động ở Trung Quốc. Điều này cũng tạo điều kiện cho các tổ chức phong trào dân chủ hoạt động. Cho đến giờ phút này, Yahoo và Google thấy không có lí do gì để tiếp tục nhân nhượng với Bắc Kinh trong lĩnh vực thông tin nữa.
  • Quyết định cứng rắn của Google liệu có quá mạo hiểm? Điều này cũng chưa thể kết luận dễ dàng vì giới phân tích phải chờ xem thái độ từ phía Bắc Kinh như thế nào. "Bên tám lạng, kẻ nửa cân", hai bên đều có những con bài chủ chốt để kìm chế nhau, vì vậy tình hình khó mà có thể suy đoán được chính xác. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng phía Google sẽ không đời nào đánh cuộc cả lợi ích của mình khi chưa tính toán kĩ lưỡng. Phải nói đến giờ phút này, phía Mỹ (đại diện là Google và Yahoo) đã cao tay hơn phía Trung Quốc. Chấp nhận hi sinh một số quyền lợi cơ bản để nắm trọn thị trường hơn 300 triệu người sử dụng Internet, Google đã "lùi một bước để tiến mười bước". Đặt giả thiết nếu Google đóng cửa công ty tại Trung Quốc và cắt toàn bộ dịch vụ, thâm hụt sẽ rất lớn nhưng về phía Trung Quốc thì hậu quả sẽ còn nặng nề hơn, có khả năng chính quyền Bắc Kinh không thể gánh đỡ nổi. Google và Yahoo ra đi cũng đồng nghĩa với kênh thông tin quan trọng bị cắt đứt. Và điều này thì chính quyền Bắc Kinh biết rõ tác hại của nó sẽ thảm khốc đến nhường nào đến với nền kinh tế Trung Quốc. Nước cờ của Google và Yahoo đã đẩy nhà cầm quyền Bắc Kinh đến một thỏa thuận nhượng bộ trong thời gian sắp tới.
Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia đang tranh giành ngôi vị trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp. Những cuộc cạnh tranh giờ đây cũng ngày càng khốc liệt và không kém phần hấp dẫn, lí thú. Qua sự kiện này, Mỹ đã "nhẹ nhàng đánh tiếng" đến một vấn đề cực kì nhạy cảm của đối tác Trung Quốc. Quả thực, đây là một vố đau mà chính quyền Bắc Kinh vừa nhận được từ Mỹ. Diễn biến hấp dẫn đến đâu thì phải chờ phía Trung Quốc "đáp lễ" lại.

Bài viết của tác giả được đăng tải (có điều chỉnh) trên diễn đàn Dân Luận. Bạn đọc có thể xem bài hoàn chỉnh tại: http://www.danluan.org/node/3929

Monday, January 11, 2010

Cách học như thế nào?

Hiệu Nguyên

Toán là một môn học quan trọng và tương đối khó bởi tính liên tục, kết nối logic của nó. Nói như vậy thì cũng đúng với văn học. Trong nhà trường ở Việt Nam hiện nay, toán và văn là hai môn học chính để làm thước đo đánh giá học lực của một học sinh! Mặc dù điều này hoàn toàn phản khoa học và mang lại nhiều nghịch lí, tuy nhiên tâm lí của các vị phụ huynh, học sinh và cả thầy cô giáo vẫn mang nặng cái hình thức đánh giá này. Quả thực từ lớp 1 đến lớp 10 (hoặc 11), phần lớn học sinh được cha mẹ cho đi học thêm ở các “lò” luyện dạy toán và văn. Hoặc là ở nhà thầy cô giáo toán, văn trong lớp, trong trường, hoặc là ở những nơi mà “nghe đồn” là có thầy cô giáo “xịn”. Thử hỏi có khi nào học sinh học thêm các môn như Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lí, v.v…? Câu trả lời là hầu như không. Mà có chăng đi nữa thì cũng là vào năm cuối cấp, năm lớp 12 chuẩn bị thi vào đại học (khi học sinh đã chọn ngành, chọn trường để thi). Như thế chả trách sao “nước đến chân mới nhảy”, điểm thi Lịch sử, Địa lí cứ “0, 1” bước đều? Quay trở lại về vấn đề hai môn toán và văn trong nhà trường, liệu học sinh đã được hướng dẫn một cách học có khoa học? liệu thầy cô có vận dụng những phương pháp sư phạm đúng đắn, có nhiệt huyết để hướng dẫn học sinh? Bỏ qua vấn đề về chương trình sách giáo khoa quá tải, bất cập về mặt nội dung và khoa học, bỏ qua việc thầy cô phải “chạy”, phải “bay” mới hòng đuổi kịp được phân tiết chương trình, tác giả của bài viết muốn gửi gắm những kinh nghiệm nhằm “đối phó” với những điều trên.

Trong lúc mỏi mong chờ đợi những cải cách mang tính đột phá mà Bộ Giáo dục đang miệt mài tìm kiếm gỡ rối, hàng triệu học sinh Việt Nam vẫn phải tìm một cách học thật hiệu quả áp dụng cho bản thân. Điều quan trọng mà các bạn học sinh cần nhớ rằng các bạn đang trang bị kiến thức cho cuộc đời, để có thể sống còn trong bất cứ xã hội nào. Vì vậy, thái độ học tập cũng phải nghiêm túc và có kỉ luật, đừng vì chán nản hoặc bất bình mà thiêu rụi đi tương lai rộng mở trước mắt các bạn. Những kinh nghiệm sau đây hi vọng phần nào giúp được các bạn học sinh có được sự tự tin phần nào để định hướng một cách học phù hợp cho bản thân. Nói như vậy có thể tự tin quá, vì trăm ngàn cách học, đâu phải ai cũng có cách học hiệu quả giống ai? Có người học tốt khi nghe nhạc, nhưng lại có người chỉ học được trong một môi trường yên tĩnh. Có bạn thích học nhóm, nhưng lại có những bạn thích học một mình, theo kiểu tự giảng bài cho mình… Vậy thì nên học như thế nào?

Một điều nên cần được nhấn mạnh rằng những kiến thức về khoa học cơ bản đã có từ hàng trăm năm nay! Rất nhiều thế hệ trước của các bạn (ông bà, cha mẹ, anh chị…) cũng đều học những gì mà bạn đang học, bởi vì thế nên các môn ấy được gọi là CƠ BẢN! Có khác chăng chỉ là ngôn từ, cách diễn đạt… chứ còn bản chất của vấn đề thì không hề thay đổi. Cần phải có một thái độ tích cực đối với những môn học này. Thế một “thái độ tích cực” là như thế nào? Cụ thể là khi gặp một bài toán khó, một bài vật lí hoặc hoá học rắc rối, thay vì chán nản, than trời thở đất, bứt tai bứt tóc thì các bạn nên có một thái độ “thách thức” đối với bài toán (challenge the problems). Hãy giữ thế “chủ động” trong việc giải toán. Hãy nhớ rằng bạn là người giải toán, giải quyết vấn đề (solve the problems) chứ không phải là nô lệ của bài toán đó. Vậy làm thế nào để có sự tự tin ấy? Các bài toán đều phải tuân thủ những suy luận logic. Vì vậy, việc nắm vững các định nghĩa, đính lí, tính chất, hệ quả là điều vô cùng quan trọng. Phải thật hiểu rõ định nghĩa, tập chứng minh nhiều lần những định lí và tính chất, hệ quả (trong nhiều sách giáo khoa có trình bày chi tiết những chứng minh ấy). Thông thường đối với những bài cơ bản, vận dụng lí thuyết không đến nỗi phức tạp, bạn có thể giải quyết gọn gàng và nhanh chóng sau khi đã nghiền ngẫm lí thuyết. Tuy nhiên, với những bài khó, đòi hỏi kĩ thuật giải toán tương đối rối rắm thì xin bạn cũng đừng nản chí. Nếu vẫn giải không ra, cách tốt nhất là trao đổi với bạn bè… rồi cuối cùng là tìm đến sự trợ giúp của thầy cô. Khi nhờ đến sự viện trợ của thầy cô, bạn nên trình bày những lí lẽ, luận chứng và phương pháp của bạn đối với bài toán, nhờ thầy cô tư vấn, phản biện và chỉ ra những chỗ chưa thông. Khi áp dụng tốt những điều nói trên, bạn sẽ có tự tin để giải những bài tập sau này.

Phương pháp trên đòi hỏi người học phải có sự kiên nhẫn, cần cù và vượt qua những hạn chế của bản thân (như tính tự mãn, tính lười biếng, tính buông xuôi trước những vấn đề khó…). Bạn cũng rèn luyện được sự tự tin vào bản thân và kinh nghiệm làm việc và suy nghĩ theo nhóm. Làm việc theo nhóm rất quan trọng đối với nghề nghiệp sau này. Vì vậy, các bạn trẻ nên tập dần từ bây giờ, tránh khỏi sự bỡ ngỡ về sau. Một điều nữa xin các bạn nhớ cho rằng việc học là để ấm thân và xứng với đồng tiền mình đã bỏ ra. Vì vậy, không lí gì lại không tận dụng trợ giúp từ thầy cô và nhà trường? Cách học đối với môn Văn và các môn học xã hội khác cũng tương tự. Đối với các môn này, việc đọc và viết rất quan trọng. Đọc đi đọc lại sách giáo khoa nhiều lần, nếu bạn nào có điều kiện thì có thể đọc thêm các tài liệu tham khảo. Sau đó là viết lại những suy nghĩ, cảm nhận của mình về bài đọc. Viết lại cảm nhận của mình sau khi đọc sẽ giúp các bạn nắm vững và nhớ bài hơn. Để rèn luyện cách viết văn, bạn nên thành lập những nhóm học tập, cùng nhau viết bài và đọc bài của nhau để đưa ra nhận xét, góp ý. Khâu quan trọng này được gọi là “peer review”. Bạn cũng không nên quên việc đọc lại tác phẩm của mình lại nhiều lần.

Với những “bí kíp” trên, tác giả hi vọng các bạn học sinh sẽ thành công trong việc tìm ra cách tự học hữu hiệu cho bản thân. Việc tự học rất quan trọng và tôi hi vọng các bạn sẽ thành công.

Xin chúc may mắn và chào thân ái!

Hiệu Nguyên

Sunday, January 10, 2010

Những người muôn năm cũ*

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
(Ông Đồ, Vũ Đình Liên)

Vâng, khi nhắc đến nền giáo dục Việt Nam, chúng ta không khỏi bâng khuâng, chạnh lòng đặt ra câu hỏi ấy. Hình ảnh ông đồ già giờ đây chỉ còn nằm trên những trang sách, những câu chuyện kể của ông bà cho các cháu nghe, những gì còn sót lại trong những áng thơ bất hủ của Vũ Đình Liên! Thật chạnh lòng khi phải thừa nhận một sự thật như vậy. Tuy nhiên, sự thật vẫn là sự thật. Căn bệnh trầm kha của giáo dục nước nhà ai cũng biết rõ, "phát bệnh" mồn một rồi nên cũng không cần phải che đậy hay bưng bít gì sất. Bao nhiêu thầy thuốc, lương y bắt mạch, kê thuốc nhưng nào có đỡ? Bệnh cứ càng ngày càng nặng. Chữa chỗ này thì chỗ khác lại phát bệnh đau nhức, ung nhọt. Sát trùng được vết ung mủ chỗ này (tạm cho là tương đối thành công), nhưng lại đau rát quá. Lần sau chắc không dám "chữa" như vậy nữa! Thế là mình cứ dùng phương thuốc Bắc vậy, nhắm mắt giảm đau. Thôi kệ, giảm được đau là tốt rồi, còn bệnh nó hoành hành trong người thế nào thì kệ cha nó! Mà như vậy cũng không yên! Lương y khắp trong và ngoài nước cứ một mực đòi chẩn bệnh và kê thuốc. Người thì đòi phải phẫu thuật cắt này bỏ nọ, vị thì đòi phải thay đổi triệt để chương trình sách giáo khoa cho phù hợp với mặt bằng chung của thế giới... Ôi, ôi! Nhiều đề xuất quá, mà cái nào cũng hợp tình hợp lí cả. Thuốc chữa bệnh thì cũng đũ loại đắt tiền: nam, bắc, tây y đều đủ cả. Thuốc nam thì thây kệ, thuốc tây thì liều cao quá, phản ứng mạnh lắm. Thôi thì cứ nhắm mắt uống thuốc bắc bừa vậy! Ông bà ta từ xưa cũng ưa dùng thuốc bắc còn gì? Thôi, nói về giáo dục thì nhiều chuyện để kể lắm. Nói dai, nói dài, dễ thành nói dại. Tôi đây đâu dám như cái ông gì gì kia, học tới Tiến Sỹ, trong giới hàn lâm cũng vào hàng Giáo sư, viện sỹ trên thế giới chứ chẳng chơi, mà xuất thân cũng từ dòng "trâm anh thế phiệt" mà ra. Vậy mà bài viết của ông mới đăng lên, thì cả nguyên cái tạp chí Khoa học Tia sáng gì gì đó bị sụp luôn trong một ngày! Quả là của đáng tội.

Là Giáo sư, Tiến sỹ mà bị đối đãi như vậy thì dân thường đâu dám nói năng chi sất. Thôi thì có một chút vốn liếng văn chương để bụng, viết vài dòng tự sự cho được xôm tụ. Tuy dốt văn nhưng tôi đây được đọc một chút về y học. Thôi thì lấy cái sự nghiên cứu về y khoa của mình để bù cho cái dốt nát về văn chương của bản thân vậy. Thôi thì cái căn bệnh của giáo dục nước nhà thuộc vào loại ung thư di căn giai đoạn cuối. Đại khái là vậy, tại bản thân tôi cũng chưa được học hành đến nơi đến chốn. Ung thư thì hiện tại trên thế giới người ta cũng chưa có cách trị hữu hiệu, lại giai đoạn cuối nữa thì khổ rồi. Hóa trị, xạ trị tốn kém mà cũng chẳng suy giảm. Tiến bộ y học của người ta hơn mình cả đến hơn nửa thế kỉ, vậy mà cũng bó tay, thì mình uống bậy bạ ba mớ thuốc Tàu thì sao mà khỏi được? Không khéo lại "tiền mất tật mang"! Mà thường cơ thể ở giai đoạn cuối thì các hệ miễn dịch bị suy giảm dữ lắm, có thể nói là bị vô hiệu hóa luôn. Trong giáo dục cũng vậy, "những người muôn năm cũ" thì như lá rụng mùa thu, rớt xuống đất, hoặc thì nằm đó để chờ phân rã bón phân cho cây cối, hoặc thì bị xe rác nó hốt béng đi để làm sạch môi trường đô thị. Âu thì một đời cống hiến cho xã hội, tiếng thơm để lại ngàn đời cho con cháu cũng là một cái phúc.

Vậy thì cách chữa gì cho căn bệnh nan y này đây? Câu hỏi này phải hỏi các ông bác học, các ông bà tiến sỹ, bác sĩ... chứ dân thường ít học như tôi đâu có biết răng rứa gì mà bàn với chẳng luận! Nói chung phương án nào hợp với sự phát triển, hợp với lòng người, hợp với tiến bộ thế giới thì tụi tôi theo. Tôi thì cả một đời làm ruộng, "con trâu đi trước, cái cày theo sau", dành dụm được bao nhiêu thì lo lắng cho mấy đứa con nó học hành đến nơi đến chốn. Rồi đến đời cháu nội, ngoại của tôi thì thằng cha, con mẹ tụi nó cũng làm lụng, tích cóp để cho tụi nó đi du học nước ngoài. Về nước tụi nó khoe với tôi là bên nước ngoài người ta phát triển lắm, y học lên tới trình độ nghiên cứu "xờ-tem xeo" rồi (nhờ thằng cháu nó viết cho chữ ngoại là "stem cell", chứ tôi cũng biết tiếng tây gì ráo). Nó nói với tôi là có thể "sản sinh" ra con người hoặc động vật từ tế bào gốc!!! (nhưng vẫn đề này nó nói bị tranh luận giữa các nhà y học, đạo đức học và luật gia dữ lắm). Tôi thấy mình lẩm cẩm rồi. Nhiều khi nghĩ linh tinh lắm. Nếu nước ngoài người ta nghiên cứu "xờ-tem xeo" thì sao mình cũng không bắt chước họ? Cấy tế bào gốc, tế bào thuần khiết tinh hoa của dân tộc mà nuôi cấy cho đến lúc trưởng thành. Còn cái thân thể bệnh hoạn, tàn tật ung nhọt này thì xẻo béng rồi vứt đi cho bõ tức; hoặc ông bà bác sỹ, tiến sỹ nào muốn nghiên cứu thì cứ vứt nó vào viện bảo tàng xã hội học để triển lãm.

Thôi đến cái tuổi gần xuống lỗ rồi, viết nhiều lại đau tay, nhức mắt, lại tăng huyết áp. Thôi thì để thế hệ trẻ "tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu" tụi nó làm. Mình chỉ ngồi một xó trong nhà, quẩn quanh với ruộng vườn, mong cho được yên tấm thân già.

*Bài viết được gửi và chấp nhận đăng trên diễn đàn Dân Luận (https://danluan.org) với tựa đề: Người nông dân già nói về Giáo dục Việt Nam

Saturday, January 9, 2010

Cảm nghĩ gì về dịch vụ du lịch ở Việt Nam? *

Du lịch vừa là một hình thức mang lại giá trị kinh tế, vừa là một hình thức quảng cáo Việt Nam đến các bạn bè thế giới. Thế nhưng, du lịch Việt Nam có thực sự mang lại ấn tượng sâu sắc cho khách tham quan trong và ngoài nước? Thực trạng những năm gần đây cho thấy số lượng khách nước ngoài vào Việt Nam không tăng mạnh và số lượng khách "nội" tham quan trong nước cũng giảm một lượng đáng kể. Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, mà các cơ quan quản lí du lịch, các công ty cung cấp các dịch vụ du lịch phải nhìn lại mình trong thời kì hội nhập với quốc tế. Một phần du lịch Việt Nam mất đi nguồn khách nội địa, không thu hút được lượng khách nước ngoài (một cách đáng kể so với các năm trước) trong những năm gần đây nguyên nhân là vì chất lượng dịch vụ quá kém. Vâng, rất kém! Nhìn chung, Việt Nam chưa có sự quản lí hệ thống, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng (cụ thể là cơ quan quản lí du lịch) và các công ty cung cấp dịch vụ du lịch. Du lịch Việt Nam nhìn chung vẫn rất vá vụn, yếu kém, thiếu thẩm mỹ, và thiếu ý thức bảo vệ môi trường, nhân sinh quan. Đa số khách trong nước không hài lòng với chất lượng của dịch vụ, còn đối với khách nước ngoài, việc thiếu ý thức bảo vệ môi trường của ta làm họ lấy làm lạ! Nếu chúng ta kiếm lời bằng hình thức du lịch nhưng không gắn kết với bảo vệ môi trường, cho đến lúc môi trường bị hùy hoại trầm trọng thì còn lấy gì đâu ra để mà khai thác?

Trong những năm gần đây ngành du lịch Việt Nam có cải thiện hơn trước một cách đáng kể, nhưng vẫn chưa đủ để có thể cạnh tranh với các nước láng giềng như Trung Quốc, Singapore, Malaysia... Ở đây, tác giả xin nêu lên những điểm lớn mà du lịch Việt Nam còn bất cập.
  1. Khả năng ngoại ngữ, giao tiếp và truyền đạt thông tin của các hướng dẫn viên du lịch: lẽ đương nhiên vai trò của các hướng dẫn viên là điều vô cùng quan trọng. Khách du lịch (trong và ngoài nước) đa phần không nắm rõ được lịch sử địa phương, hoặc những điểm đặc trưng của địa phương. Vì vậy, nhiệm vụ của người hướng dẫn viên du lịch là truyền đạt thông tin một cách chính xác, trung thực và hiệu quả đến khách tham quan. Tuy nhiên, phần lớn bộ phận các hướng dẫn viên trong nước vẫn chưa được trang bị đầy đủ những kĩ năng cần thiết. Khả năng giao tiếp vẫn còn hạn chế, và đặc biệt là phong cách phục vụ khách hàng vẫn còn có rất nhiều điểm bất cập. Cụ thể: hướng dẫn viên thường ca ngợi quá về địa phương của mình, từ đó dẫn đến hư cấu những chi tiết thần thoại, nửa hư nửa thật, hoặc hoàn toàn không có thật để "lòa", để gây ấn tượng mạnh đến khách du lịch. Nhưng thực chất việc này lại vi phạm nghiêm trọng đến những giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương! Còn đối với khách nước ngoài, do vốn liếng ngôn ngữ vẫn còn hạn chế, họ thường hay dịch giảm bớt, không cung cấp đủ và chính xác thông tin cho khách tham quan. Thái độ phục vụ cũng như phong cách của hướng dẫn viên cũng phải kể đến. Không thể chấp nhận được một hướng dẫn viên khi đi hướng dẫn chỉ mặc mỗi quần cộc, áo thun phong phanh,... trông giống... một ông xe ôm hơn là một người hướng dẫn viên. Chẳng trách mà độ tin cậy của khách tham quan đối với người hướng dẫn viên này giảm xuống. Cách ăn mặc, ứng xử thể hiện một thái độ tôn trọng đối với khách hàng, cũng đồng thời tăng niềm tin của họ. Tuy nhiên, việc cải thiện vấn đề bất cập này không khó, mà rất dễ là đằng khác. Có thành công hay không thì chủ yếu dựa vào khả năng có thể cải thiện vấn đề bất cập thứ 2 này sau đây không.
  2. Khả năng quản lí, tôn trọng luật pháp, khách hàng và các địa điểm du lịch của các công ty dịch vụ lữ hành: vấn đề này luôn trong tầm tay của các nhà kinh doanh, nhưng do một số nguyên nhân, phần vì thiếu kinh nghiệm trong quản lí (hoặc quản lí yếu kém), phần vì chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà quyên đi những đạo đức trong kinh doanh. Quản lí yếu kém, thiếu sự tôn trọng luật pháp (trốn thuế, lách luật, phạm luật giao thông [phần lớn là của các tài xế chở xe du lịch nhằm "giành khách, giành địa điểm tham quan"], luật bảo vệ tài nguyên môi trường, luật giáo dục...), thiếu sự tôn trọng khách hàng và các điểm du lịch đã làm cho khách tham quan "quay lưng" lại với những công ty du lịch này. Các công ty du lịch trong nước vẫn chưa có ý thức bảo vệ môi trường cao, vì vậy còn dẫn đến nhiều vấn đề bất cập liên quan như ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái bị hủy hoại...
  3. Khả năng quản lí và hợp tác với các công ty du lịch của các cơ quan chức năng: điểm này vô cùng quan trọng và cấp bách. Khả năng quản lí của các cơ quan chức năng cần được đẩy mạnh hơn nữa. Không thể để một loạt các công ty du lịch yếu, kém đăng kí và đi vào hoạt động. Điều này sẽ dẫn đến một trong hai (hoặc cả 2) hệ quả sau: (1) các công ty này sẽ bị "đè bẹp" trong một thị trường cạnh tranh sôi động và gay gắt, (2) để lại ấn tượng xấu đến khách hàng trong và ngoài nước, dẫn đến việc ngành du lịch trong nước cũng từ đó mà bị mang tiếng. Việc quản lí và bảo vệ môi trường cũng là một vấn đề phải được các cơ quan chức năng đặt lên hàng đầu. Cần phải xử phạt thật nặng những vi phạm môi trường! Nếu các cơ quan chức năng vẫn chủ quan, quan liêu trong việc bảo vệ môi trường như hiện nay, thì hậu quả trong tương lai sẽ vô cùng nghiêm trọng (môi trường, kinh tế, du lịch, cuộc sống của người dân địa phương...) Các cơ quan chức năng cần phải hợp tác với các công ty du lịch trong vấn đề khai thác các địa điểm du lịch và bảo vệ môi trường một cách khoa học trên tinh thần tuân thủ luật pháp. Lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, người dân để từ đó có hướng phát triển đúng đắn cho sự nghiệp phát triển kinh tế du lịch cho địa phương.
Du lịch được xem là một hình thức kinh doanh mang lại lợi nhuận cao trong nhiều lĩnh vực, nhưng cũng đồng thời chứa đựng những nguy cơ tiềm ẩn cao. Nếu biết khai thác đúng lĩnh vực này, nước nhà sẽ có lợi biết bao. Nhưng nếu ta cứ tiếp tục lối mòn cũ, thực hành kiểu chắp vá như hiện nay thì cái lời trước mắt vẫn thấy, nhưng về lâu dài thì sẽ không có lợi. Có xứng đáng bầu chọn Vịnh Hạ Long không sau những trải nghiệm đầy bực dọc và hãi hùng? Câu trả lời là "CÓ", vì có như thế, dư luận trong và ngoài nước mới có tiếng nói mạnh mẽ đến với các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp, để họ xem lại cách quản lí và kinh doanh của mình cho tốt hơn. Có như vậy chúng ta mới mong gìn giữ được một trong những kì quan của thế giới này.

Tác giả của bài viết trân trọng những ý kiến phản biện của các bạn đọc.

* Bài viết được nộp và đăng trên diễn đàn Dân Luận (http://danluan.org).

Friday, January 8, 2010

Giới thiệu sách: Hương Rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam


Đất Phương Nam là một bộ phim đoạt nhiều giải thưởng cao quý về điện ảnh và đã được công chiếu nhiều nơi trên thế giới. Bộ phim là một bức tranh toàn cảnh về cuộc sống dân giã, bình dị của những người nông dân cần cù lao động. Tuy nhiên chiến tranh, sự bất công đã đẩy những người nông dân "chân lấm tay bùn", "con trâu đi trước, cái cày đi sau" phải vùng dậy đấu tranh. Ít có tác phẩm điện ảnh nào có thể sánh vai với Đất Phương Nam, và cũng [có thể] ít có tác phẩm nào có thể sánh vai với Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam về đề tài nam bộ. Bằng lối miêu tả, kể chuyện thật nhẹ nhàng mà đầy súc tích, ông già Nam bộ (Sơn Nam) mời bạn đọc đến với mũi Cà Mau, vào rừng U Minh "nhấm rượu với cá nướng trám bùn", săn cá sấu, v.v... Bạn đọc được giới thiệu bức tranh toàn cảnh về cuộc sống cũng như lối sống bình dị của người dân nam bộ. Anh hùng rơm, Ăn to xái lớn, Bà đầm Phô-Xi-Đông, Cái Vali bí mật... mang đến cho người đọc những điều thật bất ngờ, nhưng cũng ẩn chứa trong đó những bài học sâu sắc, thâm thúy.

Phương ngữ Nam bộ được sử dụng thật khéo léo, tài tình trong tác phẩm. Phải là người sống lâu năm và gắn bó với Nam bộ lắm mới có thể truyền tải cảm xúc đến người đọc một cách xuất sắc như vậy. Thật tài tình! Người đọc như lạc vào cái thế giới của rừng U Minh, nơi mà hiểm nguy như rắn độc, cá sấu, cọp, beo, gấu rừng... luôn rình rập. Nhưng cũng thật lạ lùng, nơi nguy hiểm này cũng là "nhà, nơi trú ẩn" của những con người hiền lành, chất phác. Họ trốn vào rừng để lảng tránh sự bất công, sự chèn ép và ức hiếp của các thế lực ngoại xâm, những kẻ xu nịnh, hách dịch. Đọc tác phẩm Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam mới biết được kiến thức về Nam bộ của mình thật hạn hẹp đến nhường nào! Cuốn sách là một tác phẩm có giá trị sâu sắc về văn hóa, nhân văn. Một cuốn sách sống về một trải nghiệm đầy lí thú về vùng sông nước phương nam. Thật đáng trân trọng những công việc thầm lặng mà đầy giá trị của ông già Nam Bộ Sơn Nam.

Các bạn có thể đọc một phần của cuốn sách, đặt mua qua mạng, giới thiệu cho bạn bè về tác phẩm này qua trang web: http://tusach.tuoitre.com.vn/BookDetails.aspx?BookID=226&ComponentID=2

Tuesday, December 29, 2009

Có một đóa Hướng Dương***

Hoa hướng dương tuyệt đẹp làm sao. Những bông hoa hướng tới ánh mặt trời đón nhận những tia nắng ấm áp mà tạo hóa đã ban tặng cho mẹ Đất. Bông hoa to tròn, xòe rộng; những cánh hoa xòe dựng như bờm của chúa sơn lâm, nhưng màu sắc của hoa thì sáng chói, rực rỡ hơn nhiều. Màu của cánh hoa chẳng thua kém gì ánh rực rỡ của bình minh. Quả thật, hoa hướng dương xứng đáng được chọn để chào đón thần Apolo vào mỗi buổi sáng sớm. Bài viết này mục đích không phải là để miêu tả vẻ đẹp của hoa hướng dương, mà để kể về một đóa hướng dương rất đặc biệt mà tôi được vinh dự biết đến.

Tôi là một trong số những người thật may mắn khi được gặp một bông hoa hướng dương rất đặc biệt. Đóa hướng dương này không những là người bạn tinh thần, mà còn là bước ngoặc đánh dấu sự trưởng thành của tôi. Đóa hướng dương này thật đặc biệt: tinh khôi, thanh khiết và tràn đầy sức sống, phải nói là một tham vọng sống mãnh liệt. Đóa hoa ấy là chị Lê Thanh Thúy, một công dân trẻ tiêu biểu của thành phố Hồ Chí Minh, và cũng là một học trò rất đặc biệt của ngôi trường Trung Học Thực Hành (Đại học Sư Phạm TP. HCM).

Bước vào lớp 10 của trường Trung Học Thực Hành, tôi cảm giác phấn chấn và lạc quan về tương lai đang rộng mở trước mắt. Ngôi trường này đã trở thành mái ấm của biết bao nhiêu bạn học sinh. Tôi nhớ lại ngày mà tôi sẽ không bao giờ quên được: hình ảnh chị Lê Thanh Thúy và ba của chị đang ôm nhau khóc ở dưới góc sân trường, vây quanh là những người bạn cùng khối. Có chuyện gì lạ đang xảy ra ở dưới kia? Tôi tự hỏi và cố tìm cho ra bằng được câu trả lời. Không cần phải tốn nhiều công sức bởi vì vài ngày sau đó, Đoàn trường phát động phong trào viết thư cho chị Lê Thanh Thúy. Hoàn cảnh của chị được trình bày rõ ràng trong nội dung của buổi phát động. Chị Thúy học 11A3, bị ung thư xương. Lúc đầu chị có dùng xạ trị và hóa trị, nhưng căn bệnh tai quái cứ tiếp tục gặm nhấm thân thể của chị, bắt buộc các bác sĩ phải tháo các khớp xương chân của chị.

Hóa ra là thế. Chị Thúy dũng cảm tuyên chiến với bệnh tật, quyết tâm tiếp tục đi học lại dù chị biết là mình đang chiến đấu với căn bệnh ung thư xương quái ác. Nghĩ tới đây, hình ảnh của hai bố con chị Thúy ôm nhau khóc dưới sân trường lại hiện về rõ mồn một. Thật thương tâm và cảm phục tấm lòng hiếu thảo, hiếu học của chị Thúy! Cô học trò ngày nào vẫn quyết tâm đi học, rồi đi làm để phụ bố mẹ. Thế nhưng chị đã ra đi mãi. Những gì tôi học được ở chị là sự kiên trì, quyết tâm cao độ để thực hiện lí tưởng sống của mình. Trước khi ra đi, chị đã để lại những ước mơ "đã trở thành hiện thực" của mình cho các bạn trẻ tiếp tục thực hiện. Những ngày Vì trẻ thơ khuyết tật, những bệnh nhi nghèo bị ung thư, những ngày hoạt động vì các bệnh nhi ung thư ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là minh chứng cho những "giấc mơ trở thành hiện thực" của chị. Biết làm sao để cảm ơn chị? Chị đã thắp lên một ngọn lửa trong giới trẻ, để rồi chúng tôi cùng gìn giữ ngọn lửa ấy và lan rộng ra cho mọi người.

***Trích bài viết của một học sinh lớp 11, Tp. Hồ Chí Minh

Kinh hoàng Vệ sinh An Toàn Thực phẩm ở Việt Nam

Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là một vấn đề "nóng" đã từ lâu, nhưng hiện tại vẫn còn là một vấn đề khá bức xúc trong dư luận. Sau khi đọc bài báo Dòi lúc nhúc trong hàng trăm thùng nguyên liệu mứt trên báo Dân Trí, tôi thật sự ớn lạnh khi nhớ đến những dịp lễ tết những năm trước, khi chính tôi là người "thưởng thức" nhiều kẹo mứt nhất nhà! Quả thật, không thể tưởng tượng nổi những người kinh doanh sản xuất lại có thể nhẫn tâm làm một chuyện thất đức như vậy. Tết là dịp mọi người quây quần bên gia đình và chia sẻ niềm vui. Chẳng trách gì cứ mỗi dịp lễ tết là số lượng ca ngộ độc thực phẩm lại tăng cao đột biến.

Thành phố Hồ Chí Minh đang tiên phong trong việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cơ quan chức năng cần có những hành động mạnh tay và nhanh chóng hơn nữa để người dân có một cái tết an toàn.