Sunday, January 10, 2010

Những người muôn năm cũ*

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
(Ông Đồ, Vũ Đình Liên)

Vâng, khi nhắc đến nền giáo dục Việt Nam, chúng ta không khỏi bâng khuâng, chạnh lòng đặt ra câu hỏi ấy. Hình ảnh ông đồ già giờ đây chỉ còn nằm trên những trang sách, những câu chuyện kể của ông bà cho các cháu nghe, những gì còn sót lại trong những áng thơ bất hủ của Vũ Đình Liên! Thật chạnh lòng khi phải thừa nhận một sự thật như vậy. Tuy nhiên, sự thật vẫn là sự thật. Căn bệnh trầm kha của giáo dục nước nhà ai cũng biết rõ, "phát bệnh" mồn một rồi nên cũng không cần phải che đậy hay bưng bít gì sất. Bao nhiêu thầy thuốc, lương y bắt mạch, kê thuốc nhưng nào có đỡ? Bệnh cứ càng ngày càng nặng. Chữa chỗ này thì chỗ khác lại phát bệnh đau nhức, ung nhọt. Sát trùng được vết ung mủ chỗ này (tạm cho là tương đối thành công), nhưng lại đau rát quá. Lần sau chắc không dám "chữa" như vậy nữa! Thế là mình cứ dùng phương thuốc Bắc vậy, nhắm mắt giảm đau. Thôi kệ, giảm được đau là tốt rồi, còn bệnh nó hoành hành trong người thế nào thì kệ cha nó! Mà như vậy cũng không yên! Lương y khắp trong và ngoài nước cứ một mực đòi chẩn bệnh và kê thuốc. Người thì đòi phải phẫu thuật cắt này bỏ nọ, vị thì đòi phải thay đổi triệt để chương trình sách giáo khoa cho phù hợp với mặt bằng chung của thế giới... Ôi, ôi! Nhiều đề xuất quá, mà cái nào cũng hợp tình hợp lí cả. Thuốc chữa bệnh thì cũng đũ loại đắt tiền: nam, bắc, tây y đều đủ cả. Thuốc nam thì thây kệ, thuốc tây thì liều cao quá, phản ứng mạnh lắm. Thôi thì cứ nhắm mắt uống thuốc bắc bừa vậy! Ông bà ta từ xưa cũng ưa dùng thuốc bắc còn gì? Thôi, nói về giáo dục thì nhiều chuyện để kể lắm. Nói dai, nói dài, dễ thành nói dại. Tôi đây đâu dám như cái ông gì gì kia, học tới Tiến Sỹ, trong giới hàn lâm cũng vào hàng Giáo sư, viện sỹ trên thế giới chứ chẳng chơi, mà xuất thân cũng từ dòng "trâm anh thế phiệt" mà ra. Vậy mà bài viết của ông mới đăng lên, thì cả nguyên cái tạp chí Khoa học Tia sáng gì gì đó bị sụp luôn trong một ngày! Quả là của đáng tội.

Là Giáo sư, Tiến sỹ mà bị đối đãi như vậy thì dân thường đâu dám nói năng chi sất. Thôi thì có một chút vốn liếng văn chương để bụng, viết vài dòng tự sự cho được xôm tụ. Tuy dốt văn nhưng tôi đây được đọc một chút về y học. Thôi thì lấy cái sự nghiên cứu về y khoa của mình để bù cho cái dốt nát về văn chương của bản thân vậy. Thôi thì cái căn bệnh của giáo dục nước nhà thuộc vào loại ung thư di căn giai đoạn cuối. Đại khái là vậy, tại bản thân tôi cũng chưa được học hành đến nơi đến chốn. Ung thư thì hiện tại trên thế giới người ta cũng chưa có cách trị hữu hiệu, lại giai đoạn cuối nữa thì khổ rồi. Hóa trị, xạ trị tốn kém mà cũng chẳng suy giảm. Tiến bộ y học của người ta hơn mình cả đến hơn nửa thế kỉ, vậy mà cũng bó tay, thì mình uống bậy bạ ba mớ thuốc Tàu thì sao mà khỏi được? Không khéo lại "tiền mất tật mang"! Mà thường cơ thể ở giai đoạn cuối thì các hệ miễn dịch bị suy giảm dữ lắm, có thể nói là bị vô hiệu hóa luôn. Trong giáo dục cũng vậy, "những người muôn năm cũ" thì như lá rụng mùa thu, rớt xuống đất, hoặc thì nằm đó để chờ phân rã bón phân cho cây cối, hoặc thì bị xe rác nó hốt béng đi để làm sạch môi trường đô thị. Âu thì một đời cống hiến cho xã hội, tiếng thơm để lại ngàn đời cho con cháu cũng là một cái phúc.

Vậy thì cách chữa gì cho căn bệnh nan y này đây? Câu hỏi này phải hỏi các ông bác học, các ông bà tiến sỹ, bác sĩ... chứ dân thường ít học như tôi đâu có biết răng rứa gì mà bàn với chẳng luận! Nói chung phương án nào hợp với sự phát triển, hợp với lòng người, hợp với tiến bộ thế giới thì tụi tôi theo. Tôi thì cả một đời làm ruộng, "con trâu đi trước, cái cày theo sau", dành dụm được bao nhiêu thì lo lắng cho mấy đứa con nó học hành đến nơi đến chốn. Rồi đến đời cháu nội, ngoại của tôi thì thằng cha, con mẹ tụi nó cũng làm lụng, tích cóp để cho tụi nó đi du học nước ngoài. Về nước tụi nó khoe với tôi là bên nước ngoài người ta phát triển lắm, y học lên tới trình độ nghiên cứu "xờ-tem xeo" rồi (nhờ thằng cháu nó viết cho chữ ngoại là "stem cell", chứ tôi cũng biết tiếng tây gì ráo). Nó nói với tôi là có thể "sản sinh" ra con người hoặc động vật từ tế bào gốc!!! (nhưng vẫn đề này nó nói bị tranh luận giữa các nhà y học, đạo đức học và luật gia dữ lắm). Tôi thấy mình lẩm cẩm rồi. Nhiều khi nghĩ linh tinh lắm. Nếu nước ngoài người ta nghiên cứu "xờ-tem xeo" thì sao mình cũng không bắt chước họ? Cấy tế bào gốc, tế bào thuần khiết tinh hoa của dân tộc mà nuôi cấy cho đến lúc trưởng thành. Còn cái thân thể bệnh hoạn, tàn tật ung nhọt này thì xẻo béng rồi vứt đi cho bõ tức; hoặc ông bà bác sỹ, tiến sỹ nào muốn nghiên cứu thì cứ vứt nó vào viện bảo tàng xã hội học để triển lãm.

Thôi đến cái tuổi gần xuống lỗ rồi, viết nhiều lại đau tay, nhức mắt, lại tăng huyết áp. Thôi thì để thế hệ trẻ "tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu" tụi nó làm. Mình chỉ ngồi một xó trong nhà, quẩn quanh với ruộng vườn, mong cho được yên tấm thân già.

*Bài viết được gửi và chấp nhận đăng trên diễn đàn Dân Luận (https://danluan.org) với tựa đề: Người nông dân già nói về Giáo dục Việt Nam

No comments:

Post a Comment