Monday, January 11, 2010

Cách học như thế nào?

Hiệu Nguyên

Toán là một môn học quan trọng và tương đối khó bởi tính liên tục, kết nối logic của nó. Nói như vậy thì cũng đúng với văn học. Trong nhà trường ở Việt Nam hiện nay, toán và văn là hai môn học chính để làm thước đo đánh giá học lực của một học sinh! Mặc dù điều này hoàn toàn phản khoa học và mang lại nhiều nghịch lí, tuy nhiên tâm lí của các vị phụ huynh, học sinh và cả thầy cô giáo vẫn mang nặng cái hình thức đánh giá này. Quả thực từ lớp 1 đến lớp 10 (hoặc 11), phần lớn học sinh được cha mẹ cho đi học thêm ở các “lò” luyện dạy toán và văn. Hoặc là ở nhà thầy cô giáo toán, văn trong lớp, trong trường, hoặc là ở những nơi mà “nghe đồn” là có thầy cô giáo “xịn”. Thử hỏi có khi nào học sinh học thêm các môn như Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lí, v.v…? Câu trả lời là hầu như không. Mà có chăng đi nữa thì cũng là vào năm cuối cấp, năm lớp 12 chuẩn bị thi vào đại học (khi học sinh đã chọn ngành, chọn trường để thi). Như thế chả trách sao “nước đến chân mới nhảy”, điểm thi Lịch sử, Địa lí cứ “0, 1” bước đều? Quay trở lại về vấn đề hai môn toán và văn trong nhà trường, liệu học sinh đã được hướng dẫn một cách học có khoa học? liệu thầy cô có vận dụng những phương pháp sư phạm đúng đắn, có nhiệt huyết để hướng dẫn học sinh? Bỏ qua vấn đề về chương trình sách giáo khoa quá tải, bất cập về mặt nội dung và khoa học, bỏ qua việc thầy cô phải “chạy”, phải “bay” mới hòng đuổi kịp được phân tiết chương trình, tác giả của bài viết muốn gửi gắm những kinh nghiệm nhằm “đối phó” với những điều trên.

Trong lúc mỏi mong chờ đợi những cải cách mang tính đột phá mà Bộ Giáo dục đang miệt mài tìm kiếm gỡ rối, hàng triệu học sinh Việt Nam vẫn phải tìm một cách học thật hiệu quả áp dụng cho bản thân. Điều quan trọng mà các bạn học sinh cần nhớ rằng các bạn đang trang bị kiến thức cho cuộc đời, để có thể sống còn trong bất cứ xã hội nào. Vì vậy, thái độ học tập cũng phải nghiêm túc và có kỉ luật, đừng vì chán nản hoặc bất bình mà thiêu rụi đi tương lai rộng mở trước mắt các bạn. Những kinh nghiệm sau đây hi vọng phần nào giúp được các bạn học sinh có được sự tự tin phần nào để định hướng một cách học phù hợp cho bản thân. Nói như vậy có thể tự tin quá, vì trăm ngàn cách học, đâu phải ai cũng có cách học hiệu quả giống ai? Có người học tốt khi nghe nhạc, nhưng lại có người chỉ học được trong một môi trường yên tĩnh. Có bạn thích học nhóm, nhưng lại có những bạn thích học một mình, theo kiểu tự giảng bài cho mình… Vậy thì nên học như thế nào?

Một điều nên cần được nhấn mạnh rằng những kiến thức về khoa học cơ bản đã có từ hàng trăm năm nay! Rất nhiều thế hệ trước của các bạn (ông bà, cha mẹ, anh chị…) cũng đều học những gì mà bạn đang học, bởi vì thế nên các môn ấy được gọi là CƠ BẢN! Có khác chăng chỉ là ngôn từ, cách diễn đạt… chứ còn bản chất của vấn đề thì không hề thay đổi. Cần phải có một thái độ tích cực đối với những môn học này. Thế một “thái độ tích cực” là như thế nào? Cụ thể là khi gặp một bài toán khó, một bài vật lí hoặc hoá học rắc rối, thay vì chán nản, than trời thở đất, bứt tai bứt tóc thì các bạn nên có một thái độ “thách thức” đối với bài toán (challenge the problems). Hãy giữ thế “chủ động” trong việc giải toán. Hãy nhớ rằng bạn là người giải toán, giải quyết vấn đề (solve the problems) chứ không phải là nô lệ của bài toán đó. Vậy làm thế nào để có sự tự tin ấy? Các bài toán đều phải tuân thủ những suy luận logic. Vì vậy, việc nắm vững các định nghĩa, đính lí, tính chất, hệ quả là điều vô cùng quan trọng. Phải thật hiểu rõ định nghĩa, tập chứng minh nhiều lần những định lí và tính chất, hệ quả (trong nhiều sách giáo khoa có trình bày chi tiết những chứng minh ấy). Thông thường đối với những bài cơ bản, vận dụng lí thuyết không đến nỗi phức tạp, bạn có thể giải quyết gọn gàng và nhanh chóng sau khi đã nghiền ngẫm lí thuyết. Tuy nhiên, với những bài khó, đòi hỏi kĩ thuật giải toán tương đối rối rắm thì xin bạn cũng đừng nản chí. Nếu vẫn giải không ra, cách tốt nhất là trao đổi với bạn bè… rồi cuối cùng là tìm đến sự trợ giúp của thầy cô. Khi nhờ đến sự viện trợ của thầy cô, bạn nên trình bày những lí lẽ, luận chứng và phương pháp của bạn đối với bài toán, nhờ thầy cô tư vấn, phản biện và chỉ ra những chỗ chưa thông. Khi áp dụng tốt những điều nói trên, bạn sẽ có tự tin để giải những bài tập sau này.

Phương pháp trên đòi hỏi người học phải có sự kiên nhẫn, cần cù và vượt qua những hạn chế của bản thân (như tính tự mãn, tính lười biếng, tính buông xuôi trước những vấn đề khó…). Bạn cũng rèn luyện được sự tự tin vào bản thân và kinh nghiệm làm việc và suy nghĩ theo nhóm. Làm việc theo nhóm rất quan trọng đối với nghề nghiệp sau này. Vì vậy, các bạn trẻ nên tập dần từ bây giờ, tránh khỏi sự bỡ ngỡ về sau. Một điều nữa xin các bạn nhớ cho rằng việc học là để ấm thân và xứng với đồng tiền mình đã bỏ ra. Vì vậy, không lí gì lại không tận dụng trợ giúp từ thầy cô và nhà trường? Cách học đối với môn Văn và các môn học xã hội khác cũng tương tự. Đối với các môn này, việc đọc và viết rất quan trọng. Đọc đi đọc lại sách giáo khoa nhiều lần, nếu bạn nào có điều kiện thì có thể đọc thêm các tài liệu tham khảo. Sau đó là viết lại những suy nghĩ, cảm nhận của mình về bài đọc. Viết lại cảm nhận của mình sau khi đọc sẽ giúp các bạn nắm vững và nhớ bài hơn. Để rèn luyện cách viết văn, bạn nên thành lập những nhóm học tập, cùng nhau viết bài và đọc bài của nhau để đưa ra nhận xét, góp ý. Khâu quan trọng này được gọi là “peer review”. Bạn cũng không nên quên việc đọc lại tác phẩm của mình lại nhiều lần.

Với những “bí kíp” trên, tác giả hi vọng các bạn học sinh sẽ thành công trong việc tìm ra cách tự học hữu hiệu cho bản thân. Việc tự học rất quan trọng và tôi hi vọng các bạn sẽ thành công.

Xin chúc may mắn và chào thân ái!

Hiệu Nguyên

No comments:

Post a Comment