Tuesday, December 29, 2009

Có một đóa Hướng Dương***

Hoa hướng dương tuyệt đẹp làm sao. Những bông hoa hướng tới ánh mặt trời đón nhận những tia nắng ấm áp mà tạo hóa đã ban tặng cho mẹ Đất. Bông hoa to tròn, xòe rộng; những cánh hoa xòe dựng như bờm của chúa sơn lâm, nhưng màu sắc của hoa thì sáng chói, rực rỡ hơn nhiều. Màu của cánh hoa chẳng thua kém gì ánh rực rỡ của bình minh. Quả thật, hoa hướng dương xứng đáng được chọn để chào đón thần Apolo vào mỗi buổi sáng sớm. Bài viết này mục đích không phải là để miêu tả vẻ đẹp của hoa hướng dương, mà để kể về một đóa hướng dương rất đặc biệt mà tôi được vinh dự biết đến.

Tôi là một trong số những người thật may mắn khi được gặp một bông hoa hướng dương rất đặc biệt. Đóa hướng dương này không những là người bạn tinh thần, mà còn là bước ngoặc đánh dấu sự trưởng thành của tôi. Đóa hướng dương này thật đặc biệt: tinh khôi, thanh khiết và tràn đầy sức sống, phải nói là một tham vọng sống mãnh liệt. Đóa hoa ấy là chị Lê Thanh Thúy, một công dân trẻ tiêu biểu của thành phố Hồ Chí Minh, và cũng là một học trò rất đặc biệt của ngôi trường Trung Học Thực Hành (Đại học Sư Phạm TP. HCM).

Bước vào lớp 10 của trường Trung Học Thực Hành, tôi cảm giác phấn chấn và lạc quan về tương lai đang rộng mở trước mắt. Ngôi trường này đã trở thành mái ấm của biết bao nhiêu bạn học sinh. Tôi nhớ lại ngày mà tôi sẽ không bao giờ quên được: hình ảnh chị Lê Thanh Thúy và ba của chị đang ôm nhau khóc ở dưới góc sân trường, vây quanh là những người bạn cùng khối. Có chuyện gì lạ đang xảy ra ở dưới kia? Tôi tự hỏi và cố tìm cho ra bằng được câu trả lời. Không cần phải tốn nhiều công sức bởi vì vài ngày sau đó, Đoàn trường phát động phong trào viết thư cho chị Lê Thanh Thúy. Hoàn cảnh của chị được trình bày rõ ràng trong nội dung của buổi phát động. Chị Thúy học 11A3, bị ung thư xương. Lúc đầu chị có dùng xạ trị và hóa trị, nhưng căn bệnh tai quái cứ tiếp tục gặm nhấm thân thể của chị, bắt buộc các bác sĩ phải tháo các khớp xương chân của chị.

Hóa ra là thế. Chị Thúy dũng cảm tuyên chiến với bệnh tật, quyết tâm tiếp tục đi học lại dù chị biết là mình đang chiến đấu với căn bệnh ung thư xương quái ác. Nghĩ tới đây, hình ảnh của hai bố con chị Thúy ôm nhau khóc dưới sân trường lại hiện về rõ mồn một. Thật thương tâm và cảm phục tấm lòng hiếu thảo, hiếu học của chị Thúy! Cô học trò ngày nào vẫn quyết tâm đi học, rồi đi làm để phụ bố mẹ. Thế nhưng chị đã ra đi mãi. Những gì tôi học được ở chị là sự kiên trì, quyết tâm cao độ để thực hiện lí tưởng sống của mình. Trước khi ra đi, chị đã để lại những ước mơ "đã trở thành hiện thực" của mình cho các bạn trẻ tiếp tục thực hiện. Những ngày Vì trẻ thơ khuyết tật, những bệnh nhi nghèo bị ung thư, những ngày hoạt động vì các bệnh nhi ung thư ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là minh chứng cho những "giấc mơ trở thành hiện thực" của chị. Biết làm sao để cảm ơn chị? Chị đã thắp lên một ngọn lửa trong giới trẻ, để rồi chúng tôi cùng gìn giữ ngọn lửa ấy và lan rộng ra cho mọi người.

***Trích bài viết của một học sinh lớp 11, Tp. Hồ Chí Minh

Kinh hoàng Vệ sinh An Toàn Thực phẩm ở Việt Nam

Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là một vấn đề "nóng" đã từ lâu, nhưng hiện tại vẫn còn là một vấn đề khá bức xúc trong dư luận. Sau khi đọc bài báo Dòi lúc nhúc trong hàng trăm thùng nguyên liệu mứt trên báo Dân Trí, tôi thật sự ớn lạnh khi nhớ đến những dịp lễ tết những năm trước, khi chính tôi là người "thưởng thức" nhiều kẹo mứt nhất nhà! Quả thật, không thể tưởng tượng nổi những người kinh doanh sản xuất lại có thể nhẫn tâm làm một chuyện thất đức như vậy. Tết là dịp mọi người quây quần bên gia đình và chia sẻ niềm vui. Chẳng trách gì cứ mỗi dịp lễ tết là số lượng ca ngộ độc thực phẩm lại tăng cao đột biến.

Thành phố Hồ Chí Minh đang tiên phong trong việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cơ quan chức năng cần có những hành động mạnh tay và nhanh chóng hơn nữa để người dân có một cái tết an toàn.


Monday, December 28, 2009

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Hồi còn ở trong nước, tôi được đọc cuốn sách mang tên Tiếng Việt – Văn Việt và Người Việt của nhà nghiên cứu Cao Xuân Hạo. Cuốn sách đã để lại một ấn tượng sâu sắc về một cách nhìn chân phương, giản dị nhưng mang đậm tính hàn lâm về lòng tự hào dân tộc của nhóm nghiên cứu. Vì vậy, tôi xin được đặt tên bài viết này Tiếng Việt-Văn Việt-Người Việt theo tựa của cuốn sách. Không phải là một sản phẩm của sự nghiên cứu lâu dài, nhưng bài xã luận này là sự đúc kết của một quá trình quan sát xã hội trong nhiều năm, cùng với những kinh nghiệm của bản thân người viết. Trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng, vấn nạn về sự sử dụng bừa bãi tiếng ngoại nhập cùng tiếng Việt đã trở nên một vấn đề nóng, càng “nóng” hơn đối với những người quý trọng và yêu thiết tha tiếng Việt, một thứ tiếng đẹp đẽ mà giàu tình mẫu tử.

Quả thực,
Tiếng Việt-Văn Việt và Người Việt đã mở rộng tầm mắt cho quần chúng, trong đó một đối tượng không thể thiếu (và rất mực quan trọng) là giới học sinh, sinh viên. Tiếng Việt là một ngôn ngữ khó học về mặt từ vựng. Câu nói “Phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam” quả đă quá đề cao tầm quan trọng của ngữ pháp tiếng Việt. Tuy nhiên, trong quá trình khảo cứu, ngữ pháp của tiếng Việt cũng không khác lắm so với ngữ pháp của các ngôn ngữ khác (bởi vì chúng đều cùng chia sẻ một nguyên tắc hình thành câu theo cụm Chủ-Vị ngữ; khi mở rộng, các ngôn ngữ khác, không chỉ tiếng Việt, đều có những nguyên tắc riêng biệt). Đối với người ngoại quốc, học tiếng Việt khó nhất có lẽ là khâu học và sử dụng từ vựng tiếng Việt. Và đối với người Việt Nam, khâu rắc rối hiện tại vẫn là cách sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, hay cụ thể hơn là từ vựng tiếng Việt.

“Rối loạn” trong cách sử dụng tiếng Việt như hiện nay lỗi một phần là do chương trình dạy tiếng Việt cho học sinh ngay trong ghế nhà trường. Bộ môn tiếng Việt trong trường đã “bị” đề cao quá tính hàn lâm mà bỏ sót phần “ứng dụng thực tiễn” của tiếng Việt. Trong các bộ môn khoa học tự nhiên và kĩ thuật, một nghiên cứu có ý nghĩa khi và chỉ khi nó có giá trị thực tiễn. Bộ môn tiếng Việt đã bị các nhà soạn giả bỏ sót đi cái phần “thực tiễn” ấy. Học sinh, ngay cả những bạn học ở trình độ phổ thông, ít khi nào dành thời gian để tìm tòi, ứng dụng những “nguyên tắc” của văn phạm tiếng Việt vào trong cuộc sống. Ngay cà giáo viên Văn cũng vậy. Các thầy cô chỉ lo “chạy nước rút” để kịp với chương trình của Bộ, mà quên đi rằng việc bồi dưỡng khả năng tiếp thu và vận dụng bài học của học trò mới là tiêu chí đánh giá chính của việc dạy học. Việc bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm của tất cả mọi người dân Việt Nam. Tiếng Việt trong nhà trường cần được đề cao tính ứng dụng trong cuộc sống; học sinh cần được hướng dẫn điều chỉnh cách sử dụng tiếng Việt; và cuối cùng là nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ tiếng Việt.

Việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt không chỉ dừng lại ở tiếng Việt đơn thuần, mà còn phải nâng cao sự trân trọng của văn Việt. Văn học Việt Nam thật giàu và đẹp. Nhưng văn Việt lại không được trân trọng một cách đúng mức bởi một đại bộ phận học sinh. Học văn để hiểu rõ mình là người Việt Nam: “văn học là tấm gương phản chiếu lịch sử”. Học văn để yêu quê hương đất nước, để càng tự hào rằng mình là người Việt Nam. Tuy nhiên, cách tiếp cận văn học trong trường học không thật sự đúng với tinh thần văn học. Giáo viên văn trích dẫn nguyên văn những gì được viết trong Giáo án dạy Văn, học sinh thì mải mê ghi chép rồi học thuộc lòng, rồi lại “sao y” những ý đó trong bài làm văn của họ. Cuối cùng, bài làm văn của hầu hết các học sinh cùng một thầy giáo đều giống nhau! Như vậy thì còn gì gọi là sáng tạo, cảm tính cá nhân, tình cảm cá nhân đối với một tác phẩm văn học?

Cuối cùng là việc đào tạo những con người Việt Nam tương lai. Có xứng đáng là người Việt Nam không nếu chúng ta không biết một tí gì về văn học Việt hay lịch sử của nước nhà? Đại bộ phận học sinh ngày nay dùng một thứ ngôn ngữ chẳng phải Việt mà cũng chẳng phải Tây. Thứ ngôn ngữ lai tạp ấy dần dần hủy hoại đi tiếng Việt chân chính. Nguy hiểm hơn, nó đã, đang và sẽ phá hủy một nền văn hiến mà chúng ta cố gắng giữ gìn. Nhà trường, gia đình và học sinh là những nhân tố chính trong việc bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Cơ quan chức năng phải vào cuộc. Có như vậy, chúng ta mới giữ gìn được vẻ đẹp của tiếng Việt cho muôn đời sau, và cũng là để cứu chữa những thế hệ người Việt trẻ.

Friday, December 25, 2009

ĐỌC TIN VỀ THẦY BÌNH, NHỚ LẠI CHUYỆN VỀ THẦY CÔ CŨ

Tôi nhớ lúc còn học ở Việt Nam, ba mẹ tôi luôn nhắc nhở hai anh em tôi: Tiên học lễ, hậu học văn. Không phải chúng tôi hư hỗn, mà bởi vì đạo lí ấy trong gia đình tôi rất được trân trọng giữ gìn qua nhiều thế hệ. Bên ngoại của tôi thuộc dòng dõi Khoa Bảng, có họ hàng xa với nhà bác học Lê Quý Đôn. Bên nội của tôi tuy không mạnh bẳng bên ngoại, nhưng tám người con của nội tôi đều tốt nghiệp Kỹ sư, bác sĩ từ các trường đại học danh tiếng (Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Y Khoa Sài Gòn, Đại học Thông tin Liên lạc,…) Sự nghiệp đều từ công học hành cần mẫn mà thành cả. Vì vậy, anh em chúng tôi được dạy dỗ rất bài bản, “trên kính, dưới nhường”, “tôn sư, trọng đạo”. Tôi từng là cựu học sinh trường Lê Quý Đôn cấp 2. Là một truyền thống, ba mẹ và anh chị em của họ đều học ở trường Lê Quý Đôn cấp 2 và 3 ra cả. Vì vậy, trường Lê Quý Đôn giữ một vị trí rất đặc biệt trong tâm trí của chúng tôi.

Điểm lại chúng bạn của tôi, tôi thấy mình thật sự may mắn được học trong lớp của những thầy cô tuyệt vời. Không một lời cảm ơn nào có thể diễn tả hết lòng biết ơn của anh em tôi đối với các thầy, các cô. Tôi học cấp 1 trường Tiểu học Thực hành Sư phạm (trường đã giải thể và khuôn viên của trường nay là một phần của trường Trần Đại Nghĩa.) Các cô chủ nhiệm của tôi rất quan tâm đến học sinh của mình từng li, từng tí một. Bây giờ nhiều người khen tôi viết chữ đẹp, nhưng nếu không có những lần bị phạt khẻ thước vào tay thì có lẽ tôi đã không được khen như vậy. Thực tế, các bạn cùng trường của tôi ai nấy đều viết chữ rất đẹp. Hồi xưa chúng tôi có ai biết đến lớp “tăng cường chữ đẹp cấp quận, cấp thành phố” gì đâu, học rất nhẹ nhàng thoải mái. Các cô chủ nhiệm coi chúng tôi như con vậy. Thật xin thứ lỗi vì tôi sắp sẻ chia một “bí mật rất tế nhị”, nhưng vì để dẫn chứng, xin đành “khai” ra. Tôi vốn là học sinh ốm yếu. Lớp 1 lại bị đau ruột thừa nhưng chưa phát hiện ra. Thế là một lần tôi bị tiêu chảy trong lớp học. Cô chủ nhiệm của tôi bế tôi vào nhà vệ sinh, dùng tay để lau rửa vệ sinh sạch sẽ cho tôi. Trong gia đình, chỉ có bà ngoại và mẹ của tôi là dùng tay để vệ sinh cho tôi mà thôi. Lúc đó tôi thương cô quá, mà cô còn rất trẻ, chưa có gia đình nữa chứ. Khi tôi nhập viện để mổ ruột thừa, cô chủ nhiệm và cô bảo mẫu lớp 1 đến thăm tôi ngay trong bệnh viện cùng rất nhiều sữa (loại hộp thiếc). Sữa là mặt hàng cao cấp, tính theo hồi ấy thì đắt lắm. Các cô đến thăm hỏi động viên tôi và chúc tôi chóng lành bệnh. Năm năm học cấp 1 ở trường Tiểu học Thực hành Sư phạm là thời gian hạnh phúc nhất của tôi. Thầy cô là cha mẹ thứ hai của chúng tôi. Quậy phá là bản tính của trẻ nhỏ, nhưng chúng tôi luôn giữ “chừng mực” để không đi “quá đà”.

Cũng hồi cấp 1, bạn lớp trưởng lớp tôi lơ là học hành một chút thôi. Có lẽ phút lơ đễnh đó chỉ xảy ra duy nhất một lần trong suốt 5 năm học cấp một của bạn ấy. Cô chủ nhiệm của tôi gọi lên để tâm sự. Cô nói với bạn ấy là cô rất buồn và sẽ gọi điện về để báo với bố mẹ của bạn. Lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến một lớp trưởng mạnh mẽ bật khóc nức nở, hứa với cô sẽ không bao giờ tái phạm. Cho đến bây giờ, bạn vẫn giữ lời hứa ấy. Lên cấp 2 tôi học trường Lê Quý Đôn theo truyền thống của gia đình. Ở đây, tôi được dạy dỗ bởi những người thầy rất tận tâm với học sinh. Không một ai thuộc thế hệ trước và những bạn cùng trang lứa với tôi không biết đến thầy Trần Phát Trường cả. Tóc thầy bạc trắng, dáng cao sang và tính tình của thầy rất điềm đạm nhưng hết mực nghiêm trang. Trong cặp của thầy luôn có quyển sách Toán hình học (từ thời xưa) ưa thích của thầy, một đoạn dây trắng để vẽ đường tròn, một cây thước kẻ dài… Tôi thật may mắn khi được học thêm với thầy (bởi vì thầy đã nghỉ hưu, mà lúc thầy còn là Tổ trưởng tổ Toán, thầy chỉ toàn dạy những lớp giỏi thôi). Thầy rất tâm huyết với nghề dạy học và môn Toán. Ai cũng say mê nghe thầy giảng bài. Bên cạnh những bài giảng thú vị, thầy luôn dạy chúng tôi trở thành những con người chân chính. Đồng nghiệp, phụ huynh và tất cả học sinh trong trường ai cũng quý trọng thầy. Ngay cả học sinh ngổ ngáo nhất trường khi gặp thầy cũng tự giác khoanh tay kính cẩn cúi đầu chào thầy. Nhân dịp 20/11 mấy năm trước, tôi vòi mẹ tôi cho đến thăm thầy bằng được (nhà của thầy ở rất xa nhà tôi). Chúng tôi không gặp được thầy, nhưng vợ của thầy đón tiếp chúng tôi. Cô tâm sự rằng từ ngày thầy nghỉ hưu, thầy vẫn sáng nào giở đọc một quyển sách và làm một vài bài toán. Cô hỏi: “Anh nghỉ rồi…?”, thì thầy liền bảo: “đọc sách và làm toán cho đỡ buồn”. Nghe cô kể tôi càng quý trọng và thương thầy.

Lên đến cấp 3, tôi thật sự bị suy sụp tinh thần và cảm thấy bị xúc phạm bởi hành vi của rất nhiều người làm nghề giáo trong xã hội của ta. Càng tức càng giận vì ngày ngày phải tiếp xúc với nhiều người đội lốt nhà giáo đang làm nhơ nhuốc hình ảnh thanh cao của những người thầy chân chính. Cũng may mắn mà tôi được học thêm Vật Lí với thầy Lê Quang Diệm, giáo viên Vật Lí trường Gia Định. Mỗi lần đến nhà thầy tôi đều cảm thấy một cảm giác thanh bình giữa vườn cây và hồ cá. Bên trong nhà thầy được bài trí rất trang nhã và nổi bật nhất là sách và sách. Sách rất nhiều! Mẹ tôi rất vui, vì mẹ nói: “Nhà của các thầy cô của mẹ cũng giống vậy, toàn sách là sách thôi.” Một điều tôi học được ở các thầy, các cô của tôi là một tấm lòng yêu nghề, yêu quý công việc của mình. Tôi học chuyên ngành khoa học, nhưng rất yêu lịch sử, giáo dục công dân… những môn học được coi là “phụ”. Thầy cô của tôi không phân biệt môn nào phụ, môn nào chính cả. Tất cả những môn học được dạy nhằm đào tạo ra những công dân tốt, có đạo đức và phẩm chất tốt. Bởi chính nhờ lẽ đó mà các môn học như Lịch sử, Giáo dục công dân của các thầy cô rất sinh động và lôi cuốn học sinh. Chính lòng yêu nghề, cái tâm chân thành với nghề đã truyền lửa vào bài giảng của các thầy các cô.

Tôi cũng từng là học sinh, cũng một thời quậy phá nghịch ngợm. Nhưng nhờ công dạy dỗ và chỉ bảo của gia đình và thầy cô, tôi đã trở thành một con người chín chắn và có ích cho xã hội. Nghịch ngợm là bản tính của học trò, nhưng tôi tin chắc chắn rằng với những ngưòi thầy chân chính, dù nghịch ngợm đến mấy học sinh cũng không dám vô lễ với thầy cô. Học sinh là những con người đang ở tuổi trưởng thành cần được dạy dỗ, hướng dẫn. Họ nhìn vào gia đình và thầy cô để học theo. Vì vậy, tôi mong các thầy cô cần nhìn nhận lại phong cách và thái độ giảng dạy của mình. Đối với những người thầy chân chính, họ không cần phải la mắng, đòn roi hay thụt dầu. Chỉ cần một tư cách thanh cao, một lòng yêu nghề sâu sắc và lòng thương người, họ có thể cải tạo một con người lầm lỗi chỉ với một lời động viên tâm sự.

Giá trị lịch sử của cầu Long Biên có đang bị đe dọa?

Hình ảnh cây cầu Long Biên lịch sử luôn là hiện thân của một Hà Nội hào hùng và đầy tự hào. Thế nhưng, gần đây, báo chí trong nước (cụ thể là báo Dân Trí www.dantri.com.vn) đã đưa tin về quyết định dỡ bỏ hệ thống đường sắt trên cầu Long Biên. Đây là một vấn đề hệ trọng, bởi quyết định ấy có liên quan đến giá trị lịch sử vô cùng quan trọng. Dưới đây là bài viết của tác giả Hiệu Nguyên, một du học sinh Việt Nam ở Mỹ viết về vấn đề này.


Link dẫn trực tiếp: