Friday, December 25, 2009

ĐỌC TIN VỀ THẦY BÌNH, NHỚ LẠI CHUYỆN VỀ THẦY CÔ CŨ

Tôi nhớ lúc còn học ở Việt Nam, ba mẹ tôi luôn nhắc nhở hai anh em tôi: Tiên học lễ, hậu học văn. Không phải chúng tôi hư hỗn, mà bởi vì đạo lí ấy trong gia đình tôi rất được trân trọng giữ gìn qua nhiều thế hệ. Bên ngoại của tôi thuộc dòng dõi Khoa Bảng, có họ hàng xa với nhà bác học Lê Quý Đôn. Bên nội của tôi tuy không mạnh bẳng bên ngoại, nhưng tám người con của nội tôi đều tốt nghiệp Kỹ sư, bác sĩ từ các trường đại học danh tiếng (Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Y Khoa Sài Gòn, Đại học Thông tin Liên lạc,…) Sự nghiệp đều từ công học hành cần mẫn mà thành cả. Vì vậy, anh em chúng tôi được dạy dỗ rất bài bản, “trên kính, dưới nhường”, “tôn sư, trọng đạo”. Tôi từng là cựu học sinh trường Lê Quý Đôn cấp 2. Là một truyền thống, ba mẹ và anh chị em của họ đều học ở trường Lê Quý Đôn cấp 2 và 3 ra cả. Vì vậy, trường Lê Quý Đôn giữ một vị trí rất đặc biệt trong tâm trí của chúng tôi.

Điểm lại chúng bạn của tôi, tôi thấy mình thật sự may mắn được học trong lớp của những thầy cô tuyệt vời. Không một lời cảm ơn nào có thể diễn tả hết lòng biết ơn của anh em tôi đối với các thầy, các cô. Tôi học cấp 1 trường Tiểu học Thực hành Sư phạm (trường đã giải thể và khuôn viên của trường nay là một phần của trường Trần Đại Nghĩa.) Các cô chủ nhiệm của tôi rất quan tâm đến học sinh của mình từng li, từng tí một. Bây giờ nhiều người khen tôi viết chữ đẹp, nhưng nếu không có những lần bị phạt khẻ thước vào tay thì có lẽ tôi đã không được khen như vậy. Thực tế, các bạn cùng trường của tôi ai nấy đều viết chữ rất đẹp. Hồi xưa chúng tôi có ai biết đến lớp “tăng cường chữ đẹp cấp quận, cấp thành phố” gì đâu, học rất nhẹ nhàng thoải mái. Các cô chủ nhiệm coi chúng tôi như con vậy. Thật xin thứ lỗi vì tôi sắp sẻ chia một “bí mật rất tế nhị”, nhưng vì để dẫn chứng, xin đành “khai” ra. Tôi vốn là học sinh ốm yếu. Lớp 1 lại bị đau ruột thừa nhưng chưa phát hiện ra. Thế là một lần tôi bị tiêu chảy trong lớp học. Cô chủ nhiệm của tôi bế tôi vào nhà vệ sinh, dùng tay để lau rửa vệ sinh sạch sẽ cho tôi. Trong gia đình, chỉ có bà ngoại và mẹ của tôi là dùng tay để vệ sinh cho tôi mà thôi. Lúc đó tôi thương cô quá, mà cô còn rất trẻ, chưa có gia đình nữa chứ. Khi tôi nhập viện để mổ ruột thừa, cô chủ nhiệm và cô bảo mẫu lớp 1 đến thăm tôi ngay trong bệnh viện cùng rất nhiều sữa (loại hộp thiếc). Sữa là mặt hàng cao cấp, tính theo hồi ấy thì đắt lắm. Các cô đến thăm hỏi động viên tôi và chúc tôi chóng lành bệnh. Năm năm học cấp 1 ở trường Tiểu học Thực hành Sư phạm là thời gian hạnh phúc nhất của tôi. Thầy cô là cha mẹ thứ hai của chúng tôi. Quậy phá là bản tính của trẻ nhỏ, nhưng chúng tôi luôn giữ “chừng mực” để không đi “quá đà”.

Cũng hồi cấp 1, bạn lớp trưởng lớp tôi lơ là học hành một chút thôi. Có lẽ phút lơ đễnh đó chỉ xảy ra duy nhất một lần trong suốt 5 năm học cấp một của bạn ấy. Cô chủ nhiệm của tôi gọi lên để tâm sự. Cô nói với bạn ấy là cô rất buồn và sẽ gọi điện về để báo với bố mẹ của bạn. Lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến một lớp trưởng mạnh mẽ bật khóc nức nở, hứa với cô sẽ không bao giờ tái phạm. Cho đến bây giờ, bạn vẫn giữ lời hứa ấy. Lên cấp 2 tôi học trường Lê Quý Đôn theo truyền thống của gia đình. Ở đây, tôi được dạy dỗ bởi những người thầy rất tận tâm với học sinh. Không một ai thuộc thế hệ trước và những bạn cùng trang lứa với tôi không biết đến thầy Trần Phát Trường cả. Tóc thầy bạc trắng, dáng cao sang và tính tình của thầy rất điềm đạm nhưng hết mực nghiêm trang. Trong cặp của thầy luôn có quyển sách Toán hình học (từ thời xưa) ưa thích của thầy, một đoạn dây trắng để vẽ đường tròn, một cây thước kẻ dài… Tôi thật may mắn khi được học thêm với thầy (bởi vì thầy đã nghỉ hưu, mà lúc thầy còn là Tổ trưởng tổ Toán, thầy chỉ toàn dạy những lớp giỏi thôi). Thầy rất tâm huyết với nghề dạy học và môn Toán. Ai cũng say mê nghe thầy giảng bài. Bên cạnh những bài giảng thú vị, thầy luôn dạy chúng tôi trở thành những con người chân chính. Đồng nghiệp, phụ huynh và tất cả học sinh trong trường ai cũng quý trọng thầy. Ngay cả học sinh ngổ ngáo nhất trường khi gặp thầy cũng tự giác khoanh tay kính cẩn cúi đầu chào thầy. Nhân dịp 20/11 mấy năm trước, tôi vòi mẹ tôi cho đến thăm thầy bằng được (nhà của thầy ở rất xa nhà tôi). Chúng tôi không gặp được thầy, nhưng vợ của thầy đón tiếp chúng tôi. Cô tâm sự rằng từ ngày thầy nghỉ hưu, thầy vẫn sáng nào giở đọc một quyển sách và làm một vài bài toán. Cô hỏi: “Anh nghỉ rồi…?”, thì thầy liền bảo: “đọc sách và làm toán cho đỡ buồn”. Nghe cô kể tôi càng quý trọng và thương thầy.

Lên đến cấp 3, tôi thật sự bị suy sụp tinh thần và cảm thấy bị xúc phạm bởi hành vi của rất nhiều người làm nghề giáo trong xã hội của ta. Càng tức càng giận vì ngày ngày phải tiếp xúc với nhiều người đội lốt nhà giáo đang làm nhơ nhuốc hình ảnh thanh cao của những người thầy chân chính. Cũng may mắn mà tôi được học thêm Vật Lí với thầy Lê Quang Diệm, giáo viên Vật Lí trường Gia Định. Mỗi lần đến nhà thầy tôi đều cảm thấy một cảm giác thanh bình giữa vườn cây và hồ cá. Bên trong nhà thầy được bài trí rất trang nhã và nổi bật nhất là sách và sách. Sách rất nhiều! Mẹ tôi rất vui, vì mẹ nói: “Nhà của các thầy cô của mẹ cũng giống vậy, toàn sách là sách thôi.” Một điều tôi học được ở các thầy, các cô của tôi là một tấm lòng yêu nghề, yêu quý công việc của mình. Tôi học chuyên ngành khoa học, nhưng rất yêu lịch sử, giáo dục công dân… những môn học được coi là “phụ”. Thầy cô của tôi không phân biệt môn nào phụ, môn nào chính cả. Tất cả những môn học được dạy nhằm đào tạo ra những công dân tốt, có đạo đức và phẩm chất tốt. Bởi chính nhờ lẽ đó mà các môn học như Lịch sử, Giáo dục công dân của các thầy cô rất sinh động và lôi cuốn học sinh. Chính lòng yêu nghề, cái tâm chân thành với nghề đã truyền lửa vào bài giảng của các thầy các cô.

Tôi cũng từng là học sinh, cũng một thời quậy phá nghịch ngợm. Nhưng nhờ công dạy dỗ và chỉ bảo của gia đình và thầy cô, tôi đã trở thành một con người chín chắn và có ích cho xã hội. Nghịch ngợm là bản tính của học trò, nhưng tôi tin chắc chắn rằng với những ngưòi thầy chân chính, dù nghịch ngợm đến mấy học sinh cũng không dám vô lễ với thầy cô. Học sinh là những con người đang ở tuổi trưởng thành cần được dạy dỗ, hướng dẫn. Họ nhìn vào gia đình và thầy cô để học theo. Vì vậy, tôi mong các thầy cô cần nhìn nhận lại phong cách và thái độ giảng dạy của mình. Đối với những người thầy chân chính, họ không cần phải la mắng, đòn roi hay thụt dầu. Chỉ cần một tư cách thanh cao, một lòng yêu nghề sâu sắc và lòng thương người, họ có thể cải tạo một con người lầm lỗi chỉ với một lời động viên tâm sự.

2 comments:

  1. Them thong tin ve cac bai viet ve vu viec nay, xin vui long doc qua cac bao sau:
    A. Bao Dan Tri News (TW Hoi Khuyen Hoc Viet Nam):

    http://dantri.com.vn/c202/s202-367123/so-gddt-tphcm-nen-xem-xet-lai-hinh-thuc-ky-luat-thay-binh.htm

    http://dantri.com.vn/c202/s202-365935/nen-xem-xet-lai-ky-luat-doi-voi-thay-binh.htm

    http://dantri.com.vn/c202/s202-366299/that-vong-ve-cach-xu-ly-cua-hdkl-truong-le-quy-don.htm

    B. Bao Tuoi Tre (TP. Ho Chi Minh):

    http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=353481&ChannelID=13

    http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=354549&ChannelID=13

    http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=354234&ChannelID=406

    ReplyDelete
  2. Bài viết này được gửi đến Diễn đàn báo Dân trí tại http://dantri.com.vn và chưa được cho đăng.

    ReplyDelete