Monday, December 28, 2009

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Hồi còn ở trong nước, tôi được đọc cuốn sách mang tên Tiếng Việt – Văn Việt và Người Việt của nhà nghiên cứu Cao Xuân Hạo. Cuốn sách đã để lại một ấn tượng sâu sắc về một cách nhìn chân phương, giản dị nhưng mang đậm tính hàn lâm về lòng tự hào dân tộc của nhóm nghiên cứu. Vì vậy, tôi xin được đặt tên bài viết này Tiếng Việt-Văn Việt-Người Việt theo tựa của cuốn sách. Không phải là một sản phẩm của sự nghiên cứu lâu dài, nhưng bài xã luận này là sự đúc kết của một quá trình quan sát xã hội trong nhiều năm, cùng với những kinh nghiệm của bản thân người viết. Trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng, vấn nạn về sự sử dụng bừa bãi tiếng ngoại nhập cùng tiếng Việt đã trở nên một vấn đề nóng, càng “nóng” hơn đối với những người quý trọng và yêu thiết tha tiếng Việt, một thứ tiếng đẹp đẽ mà giàu tình mẫu tử.

Quả thực,
Tiếng Việt-Văn Việt và Người Việt đã mở rộng tầm mắt cho quần chúng, trong đó một đối tượng không thể thiếu (và rất mực quan trọng) là giới học sinh, sinh viên. Tiếng Việt là một ngôn ngữ khó học về mặt từ vựng. Câu nói “Phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam” quả đă quá đề cao tầm quan trọng của ngữ pháp tiếng Việt. Tuy nhiên, trong quá trình khảo cứu, ngữ pháp của tiếng Việt cũng không khác lắm so với ngữ pháp của các ngôn ngữ khác (bởi vì chúng đều cùng chia sẻ một nguyên tắc hình thành câu theo cụm Chủ-Vị ngữ; khi mở rộng, các ngôn ngữ khác, không chỉ tiếng Việt, đều có những nguyên tắc riêng biệt). Đối với người ngoại quốc, học tiếng Việt khó nhất có lẽ là khâu học và sử dụng từ vựng tiếng Việt. Và đối với người Việt Nam, khâu rắc rối hiện tại vẫn là cách sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, hay cụ thể hơn là từ vựng tiếng Việt.

“Rối loạn” trong cách sử dụng tiếng Việt như hiện nay lỗi một phần là do chương trình dạy tiếng Việt cho học sinh ngay trong ghế nhà trường. Bộ môn tiếng Việt trong trường đã “bị” đề cao quá tính hàn lâm mà bỏ sót phần “ứng dụng thực tiễn” của tiếng Việt. Trong các bộ môn khoa học tự nhiên và kĩ thuật, một nghiên cứu có ý nghĩa khi và chỉ khi nó có giá trị thực tiễn. Bộ môn tiếng Việt đã bị các nhà soạn giả bỏ sót đi cái phần “thực tiễn” ấy. Học sinh, ngay cả những bạn học ở trình độ phổ thông, ít khi nào dành thời gian để tìm tòi, ứng dụng những “nguyên tắc” của văn phạm tiếng Việt vào trong cuộc sống. Ngay cà giáo viên Văn cũng vậy. Các thầy cô chỉ lo “chạy nước rút” để kịp với chương trình của Bộ, mà quên đi rằng việc bồi dưỡng khả năng tiếp thu và vận dụng bài học của học trò mới là tiêu chí đánh giá chính của việc dạy học. Việc bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm của tất cả mọi người dân Việt Nam. Tiếng Việt trong nhà trường cần được đề cao tính ứng dụng trong cuộc sống; học sinh cần được hướng dẫn điều chỉnh cách sử dụng tiếng Việt; và cuối cùng là nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ tiếng Việt.

Việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt không chỉ dừng lại ở tiếng Việt đơn thuần, mà còn phải nâng cao sự trân trọng của văn Việt. Văn học Việt Nam thật giàu và đẹp. Nhưng văn Việt lại không được trân trọng một cách đúng mức bởi một đại bộ phận học sinh. Học văn để hiểu rõ mình là người Việt Nam: “văn học là tấm gương phản chiếu lịch sử”. Học văn để yêu quê hương đất nước, để càng tự hào rằng mình là người Việt Nam. Tuy nhiên, cách tiếp cận văn học trong trường học không thật sự đúng với tinh thần văn học. Giáo viên văn trích dẫn nguyên văn những gì được viết trong Giáo án dạy Văn, học sinh thì mải mê ghi chép rồi học thuộc lòng, rồi lại “sao y” những ý đó trong bài làm văn của họ. Cuối cùng, bài làm văn của hầu hết các học sinh cùng một thầy giáo đều giống nhau! Như vậy thì còn gì gọi là sáng tạo, cảm tính cá nhân, tình cảm cá nhân đối với một tác phẩm văn học?

Cuối cùng là việc đào tạo những con người Việt Nam tương lai. Có xứng đáng là người Việt Nam không nếu chúng ta không biết một tí gì về văn học Việt hay lịch sử của nước nhà? Đại bộ phận học sinh ngày nay dùng một thứ ngôn ngữ chẳng phải Việt mà cũng chẳng phải Tây. Thứ ngôn ngữ lai tạp ấy dần dần hủy hoại đi tiếng Việt chân chính. Nguy hiểm hơn, nó đã, đang và sẽ phá hủy một nền văn hiến mà chúng ta cố gắng giữ gìn. Nhà trường, gia đình và học sinh là những nhân tố chính trong việc bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Cơ quan chức năng phải vào cuộc. Có như vậy, chúng ta mới giữ gìn được vẻ đẹp của tiếng Việt cho muôn đời sau, và cũng là để cứu chữa những thế hệ người Việt trẻ.

1 comment:

  1. Tôi đang rất cần cuốn sách Tiếng Việt, văn Việt, người Việt, TG: Cao Xuân Hạo, ai biết xin chỉ giúp. Cảm ơn. Ngocdiu@yahoo.com, 0983608757

    ReplyDelete