Saturday, January 9, 2010

Cảm nghĩ gì về dịch vụ du lịch ở Việt Nam? *

Du lịch vừa là một hình thức mang lại giá trị kinh tế, vừa là một hình thức quảng cáo Việt Nam đến các bạn bè thế giới. Thế nhưng, du lịch Việt Nam có thực sự mang lại ấn tượng sâu sắc cho khách tham quan trong và ngoài nước? Thực trạng những năm gần đây cho thấy số lượng khách nước ngoài vào Việt Nam không tăng mạnh và số lượng khách "nội" tham quan trong nước cũng giảm một lượng đáng kể. Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, mà các cơ quan quản lí du lịch, các công ty cung cấp các dịch vụ du lịch phải nhìn lại mình trong thời kì hội nhập với quốc tế. Một phần du lịch Việt Nam mất đi nguồn khách nội địa, không thu hút được lượng khách nước ngoài (một cách đáng kể so với các năm trước) trong những năm gần đây nguyên nhân là vì chất lượng dịch vụ quá kém. Vâng, rất kém! Nhìn chung, Việt Nam chưa có sự quản lí hệ thống, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng (cụ thể là cơ quan quản lí du lịch) và các công ty cung cấp dịch vụ du lịch. Du lịch Việt Nam nhìn chung vẫn rất vá vụn, yếu kém, thiếu thẩm mỹ, và thiếu ý thức bảo vệ môi trường, nhân sinh quan. Đa số khách trong nước không hài lòng với chất lượng của dịch vụ, còn đối với khách nước ngoài, việc thiếu ý thức bảo vệ môi trường của ta làm họ lấy làm lạ! Nếu chúng ta kiếm lời bằng hình thức du lịch nhưng không gắn kết với bảo vệ môi trường, cho đến lúc môi trường bị hùy hoại trầm trọng thì còn lấy gì đâu ra để mà khai thác?

Trong những năm gần đây ngành du lịch Việt Nam có cải thiện hơn trước một cách đáng kể, nhưng vẫn chưa đủ để có thể cạnh tranh với các nước láng giềng như Trung Quốc, Singapore, Malaysia... Ở đây, tác giả xin nêu lên những điểm lớn mà du lịch Việt Nam còn bất cập.
  1. Khả năng ngoại ngữ, giao tiếp và truyền đạt thông tin của các hướng dẫn viên du lịch: lẽ đương nhiên vai trò của các hướng dẫn viên là điều vô cùng quan trọng. Khách du lịch (trong và ngoài nước) đa phần không nắm rõ được lịch sử địa phương, hoặc những điểm đặc trưng của địa phương. Vì vậy, nhiệm vụ của người hướng dẫn viên du lịch là truyền đạt thông tin một cách chính xác, trung thực và hiệu quả đến khách tham quan. Tuy nhiên, phần lớn bộ phận các hướng dẫn viên trong nước vẫn chưa được trang bị đầy đủ những kĩ năng cần thiết. Khả năng giao tiếp vẫn còn hạn chế, và đặc biệt là phong cách phục vụ khách hàng vẫn còn có rất nhiều điểm bất cập. Cụ thể: hướng dẫn viên thường ca ngợi quá về địa phương của mình, từ đó dẫn đến hư cấu những chi tiết thần thoại, nửa hư nửa thật, hoặc hoàn toàn không có thật để "lòa", để gây ấn tượng mạnh đến khách du lịch. Nhưng thực chất việc này lại vi phạm nghiêm trọng đến những giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương! Còn đối với khách nước ngoài, do vốn liếng ngôn ngữ vẫn còn hạn chế, họ thường hay dịch giảm bớt, không cung cấp đủ và chính xác thông tin cho khách tham quan. Thái độ phục vụ cũng như phong cách của hướng dẫn viên cũng phải kể đến. Không thể chấp nhận được một hướng dẫn viên khi đi hướng dẫn chỉ mặc mỗi quần cộc, áo thun phong phanh,... trông giống... một ông xe ôm hơn là một người hướng dẫn viên. Chẳng trách mà độ tin cậy của khách tham quan đối với người hướng dẫn viên này giảm xuống. Cách ăn mặc, ứng xử thể hiện một thái độ tôn trọng đối với khách hàng, cũng đồng thời tăng niềm tin của họ. Tuy nhiên, việc cải thiện vấn đề bất cập này không khó, mà rất dễ là đằng khác. Có thành công hay không thì chủ yếu dựa vào khả năng có thể cải thiện vấn đề bất cập thứ 2 này sau đây không.
  2. Khả năng quản lí, tôn trọng luật pháp, khách hàng và các địa điểm du lịch của các công ty dịch vụ lữ hành: vấn đề này luôn trong tầm tay của các nhà kinh doanh, nhưng do một số nguyên nhân, phần vì thiếu kinh nghiệm trong quản lí (hoặc quản lí yếu kém), phần vì chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà quyên đi những đạo đức trong kinh doanh. Quản lí yếu kém, thiếu sự tôn trọng luật pháp (trốn thuế, lách luật, phạm luật giao thông [phần lớn là của các tài xế chở xe du lịch nhằm "giành khách, giành địa điểm tham quan"], luật bảo vệ tài nguyên môi trường, luật giáo dục...), thiếu sự tôn trọng khách hàng và các điểm du lịch đã làm cho khách tham quan "quay lưng" lại với những công ty du lịch này. Các công ty du lịch trong nước vẫn chưa có ý thức bảo vệ môi trường cao, vì vậy còn dẫn đến nhiều vấn đề bất cập liên quan như ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái bị hủy hoại...
  3. Khả năng quản lí và hợp tác với các công ty du lịch của các cơ quan chức năng: điểm này vô cùng quan trọng và cấp bách. Khả năng quản lí của các cơ quan chức năng cần được đẩy mạnh hơn nữa. Không thể để một loạt các công ty du lịch yếu, kém đăng kí và đi vào hoạt động. Điều này sẽ dẫn đến một trong hai (hoặc cả 2) hệ quả sau: (1) các công ty này sẽ bị "đè bẹp" trong một thị trường cạnh tranh sôi động và gay gắt, (2) để lại ấn tượng xấu đến khách hàng trong và ngoài nước, dẫn đến việc ngành du lịch trong nước cũng từ đó mà bị mang tiếng. Việc quản lí và bảo vệ môi trường cũng là một vấn đề phải được các cơ quan chức năng đặt lên hàng đầu. Cần phải xử phạt thật nặng những vi phạm môi trường! Nếu các cơ quan chức năng vẫn chủ quan, quan liêu trong việc bảo vệ môi trường như hiện nay, thì hậu quả trong tương lai sẽ vô cùng nghiêm trọng (môi trường, kinh tế, du lịch, cuộc sống của người dân địa phương...) Các cơ quan chức năng cần phải hợp tác với các công ty du lịch trong vấn đề khai thác các địa điểm du lịch và bảo vệ môi trường một cách khoa học trên tinh thần tuân thủ luật pháp. Lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, người dân để từ đó có hướng phát triển đúng đắn cho sự nghiệp phát triển kinh tế du lịch cho địa phương.
Du lịch được xem là một hình thức kinh doanh mang lại lợi nhuận cao trong nhiều lĩnh vực, nhưng cũng đồng thời chứa đựng những nguy cơ tiềm ẩn cao. Nếu biết khai thác đúng lĩnh vực này, nước nhà sẽ có lợi biết bao. Nhưng nếu ta cứ tiếp tục lối mòn cũ, thực hành kiểu chắp vá như hiện nay thì cái lời trước mắt vẫn thấy, nhưng về lâu dài thì sẽ không có lợi. Có xứng đáng bầu chọn Vịnh Hạ Long không sau những trải nghiệm đầy bực dọc và hãi hùng? Câu trả lời là "CÓ", vì có như thế, dư luận trong và ngoài nước mới có tiếng nói mạnh mẽ đến với các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp, để họ xem lại cách quản lí và kinh doanh của mình cho tốt hơn. Có như vậy chúng ta mới mong gìn giữ được một trong những kì quan của thế giới này.

Tác giả của bài viết trân trọng những ý kiến phản biện của các bạn đọc.

* Bài viết được nộp và đăng trên diễn đàn Dân Luận (http://danluan.org).

No comments:

Post a Comment